Nước sạch cho cuộc sống – Hành động để bảo vệ nguồn nước
Các địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Hồ Đá Đen – nguồn cấp nước sinh hoạt quan trọng của tỉnh. |
NHIỀU CÁCH LÀM HAY
Để góp phần nâng cao ý thức BVMT cho cộng đồng, mỗi năm Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) tổ chức chương trình “Hành trình tri thức” cho 2.000 HS của 20 trường học trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập ngoại khóa tại nhà máy nước Hồ Đá Đen (thuộc BWACO). Chương trình được khởi xướng từ năm 2009 và đến nay đã có 18.900 HS tham gia. Đến với hoạt động này, HS được trực tiếp làm thí nghiệm về xử lý nước sạch; tìm hiểu kiến thức về nguồn nước… Qua đó, các em được bổ sung kiến thức thực tế về quy trình xử lý nước sạch; hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nước với đời sống, lợi ích khi sử dụng nước sạch.
Giờ thực hành xử lý nước của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.Vũng Tàu) trong chương trình “Hành trình tri thức” do BWACO tổ chức. |
Em Phạm Quang Đạt, HS lớp 8, trường THCS Châu Thành (TP. Bà Rịa), cho biết, sau khi tham gia chương trình “Hành trình tri thức”, em biết rằng, nước không phải là vô tận. “Vì vậy, em luôn nhắc nhở bản thân mình phải bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước một cách hợp lý. Em mong muốn mọi người cùng suy nghĩ như vậy”, Đạt cho biết.
Theo Sở TN-MT, ở vùng nông thôn, những năm gần đây tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và làm sụt giảm trữ lượng nước ngầm. Để bảo vệ nguồn nước, nhiều địa phương khuyến khích người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm. Đơn cử như tại huyện Xuyên Mộc, từ năm 2015, ngành nông nghiệp huyện đã vận động, tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, chống thoát hơi nước tại các vườn canh tác chuyên canh cây công nghiệp như tiêu, cao su, cà phê… Đồng thời, vận động người dân chọn những vùng bảo đảm đủ nguồn nước, phù hợp canh tác với mong muốn giảm tác động của việc khoan giếng, ảnh hưởng đến mực nước ngầm tự nhiên.
Với 2,8ha tiêu trồng theo hướng hữu cơ, bền vững không hóa chất, mỗi vụ tiêu ông Nguyễn Minh Hải (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) thu hoạch khoảng 10 tấn. Theo ông Hải, nhờ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt đã góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh gây hại, tăng năng suất cây tiêu. Phương pháp tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hợp lý bảo đảm độ ẩm và lượng chất dinh dưỡng luôn cung cấp ổn định nên cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt. “Phương pháp tưới nhỏ giọt không những giảm được lượng nước thất thoát, bảo vệ nguồn nước mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, công lao động, giúp đất luôn tươi xốp và đặc biệt là đã giảm đáng kể chi phí sản xuất cho người trồng tiêu”, ông Hải nói.
TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT NGUỒN NƯỚC
Theo Sở TN-MT, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan giếng trái phép vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và tổn thương tầng chứa nước dưới đất. Đồng thời, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước…
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hoạt động trên, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện, xã về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước. Đồng thời, đôn đốc nhắc nhở UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh BR-VT; triển khai các quy định về bảo vệ tài nguyên nước như Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất… Từ tháng 9/2017 đến nay, ngoài kế hoạch quan trắc môi trường, để kịp thời theo dõi chất lượng nguồn nước mặt thượng nguồn cấp cho hồ Đá Đen, Sở TN-MT đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện quan trắc bổ sung một số vị trí sông suối thượng nguồn cấp cho hồ Đá Đen. Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt, tỉnh đã đầu tư 6 trạm quan trắc nước mặt tự động (2 trạm tại sông Thị Vải, 1 trạm tại sông Chà Và, 1 trạm tại hồ Sông Ray, 1 trạm tại hồ Đá Đen, 1 trạm tại hồ Sông Hỏa). Đồng thời, đang triển khai đầu tư 3 trạm quan trắc nước mặt tại hồ Châu Pha, An Hải, nước suối Chà Răng chảy về hồ Đá Đen. Dự kiến giai đoạn 2020 – 2021, sẽ đầu tư trạm quan trắc nước mặt tự động cho toàn bộ các hồ cấp nước sinh hoạt còn lại trên địa bàn tỉnh.
tin liên quan
- Hãy đến gần hơn nữa…
- Nước hồ Sông Ray bị “nhuộm xanh” do tảo
- Trải nghiệm thực tế ý nghĩa cho sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường
- BWACO Tổ chức buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy cho CB.CNV
- BWACO tham dự triển lãm “Bà Rịa – Vũng Tàu nói không với chất thải nhựa”
- Chở từng bồn nước phục vụ bà con vùng khô hạn Bình Châu
- Hãy bảo vệ đồng hồ nước của bạn
- BWACO PHÁT HUY PHONG TRÀO SÁNG KIẾN CẢI TIẾN